Câu trả lời là: “Chúng tôi phải đi cả nam phụ lão ấu và bầy chiên bầy bò, vì chúng tôi phải cử hành một kỳ lễ cho Đức Giê-hô-va”. KTS 136.4
Vua nổi cơn thịnh nộ. Ông hét lên: “Không được! Chỉ có đàn ông các ngươi đi và phụng sự Đức Giê-hô-va thôi, vì đó là điều các ngươi đã yêu cầu. Rồi họ đuổi Môi-se và A-rôn khỏi Pha-ra-ôn”. Pha-ra-ôn làm ra vẻ lo lắng cho sức khỏe của họ và tốt bụng chăm lo cho những người thân yếu đuối của họ, nhưng thực chất âm mưu của ông là muốn giữ phụ nữ và trẻ con lại như cách đảm bảo những người đàn ông sẽ quay về. KTS 136.5
Môi-se giơ gậy ra trên Ai Cập và một ngọn gió đông mang châu chấu đến. “Châu chấu nhiều vô kể; trước kia chưa từng có, sau này cũng chẳng bao giờ có như vậy”. Chúng che đen kịt cả bầu trời, ăn ngấu nghiến mùa màng còn sót lại. KTS 136.6
Pha-ra-ôn vội vàng gọi tiên tri đến và nói: “Ta đã phạm tội với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi và các ngươi nữa… Hãy cầu khẩn Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi; ít ra Ngài cũng lấy đi khỏi ta cái tai vạ chết người này”. Họ cầu nguyện theo lời vua xin, một luồng gió tây rất mạnh đến cuốn châu chấu đi và lùa chúng xuống Biển Đỏ, nhưng vua vẫn giữ quyết định ương ngạnh của mình. KTS 136.7
Dân Ai Cập gần như tuyệt vọng, họ hoảng sợ cho tương lai. Cả nước tôn thờ Pha-ra-ôn như một đại diện thần linh của họ; nhưng lúc này nhiều người tin rằng vua đang chống lại một Đấng nắm mọi quyền lực tự nhiên đại diện cho ý muốn Ngài. Những người nô lệ Hê-bơ-rơ đang trở nên tự tin về việc được giải cứu. Khắp cả xứ Ai Cập có chung một nỗi lo sợ bí mật rằng những nô lệ sẽ vùng lên trả thù những sai quấy của họ. Mọi người ai cũng hỏi nhau: “Tai vạ nào tiếp theo nữa?”. KTS 136.8
Thình lình bóng tối bao trùm khắp cả xứ, dày đặc và tối đến mức dường như: “thứ bóng tối có thể sờ được”. Hít thở cũng khó khăn. “Trong ba ngày đó người ta không nhìn thấy nhau, không ai rời khỏi chỗ mình được. Nhưng chỗ nào dân Y-sơ-ra-ên ở thì có ánh sáng”. Mặt trời và mặt trăng là tạo vật mà dân Ai Cập thờ cúng. Bóng tối huyền bí này giống như giáng xuống dân chúng và các vị thần của họ. (Xem thêm Phụ lục, Ghi chú 2). Khủng khiếp thật sự, cách trừng phạt này là một bằng chứng Chúa thể hiện lòng trắc ẩn và không sẵn lòng hủy diệt. Ngài ban cho dân chúng có cơ hội suy nghĩ và ăn năn trước khi giáng xuống tai vạ cuối cùng, khủng khiếp nhất. KTS 137.1
Hết ngày thứ ba, Pha-ra-ôn triệu tập Môi-se đến, đồng ý cho phép dân sự ra đi, chỉ để các bầy chiên bò ở lại. Môi-se khẳng định: “không để lại một móng chân nào”. Vua nổi giận phừng phừng lên, quát lớn: “Biến đi cho khuất mắt ta! Giữ mình và đừng bao giờ gặp mặt ta nữa, vì ngày nào ngươi thấy mặt ta thì ngươ sẽ chết”. KTS 137.2
Môi-se đáp: “Đúng như bệ hạ nói, tôi sẽ chẳng còn thấy mặt bệ hạ nữa đâu”. KTS 137.3
“Dưới mắt quần thần của Pha-ra-ôn cũng như dưới mắt dân Ai Cập, Môi-se là một nhân vật rất quan trọng”. Vua không dám đụng đến ông, còn người dân thì kính nể ông như là người duy nhất sở hữu quyền năng tiêu trừ các tai vạ. Họ muốn người Y-sơ-ra-ên được phép rời khỏi Ai Cập, chỉ có vua và các pháp sư phản đối yêu cầu của Môi-se cho đến phút cuối mà thôi. KTS 137.4