Lúc dân sự bắt đầu hiểu được tội lỗi của họ lớn tới mức nào, họ cảm thấy lo sợ rằng ai phạm tội cũng sẽ bị kết liễu cuộc đời. Môi-se hứa cầu xin Chúa cho họ thêm một lần nữa. KTS 163.1
Ông nói: “Anh em đã phạm một trọng tội. Nhưng bây giờ ta sẽ lên gặp Đức Giê-hô-va, có lẽ ta sẽ chuộc được tội cho anh em”. Trong lời thú tội của ông trước Chúa, ông nói rằng: “Ôi! Dân này đã phạm một trọng tội, họ đã làm cho mình tượng thần bằng vàng. Nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Nếu không, xin Ngài xóa tên con khỏi sách Ngài đã viết”. KTS 163.2
Lời cầu nguyện của Môi-se đưa tâm trí chúng ta đến những ghi chép của thiên đàng nơi mà tên tuổi, hành động, việc làm tốt, xấu của mỗi người đều được ghi khắc. Quyển sách sự sống chứa đựng danh tính của tất cả những người dấn thân hầu việc Chúa. Nếu tính ương ngạnh tiếp tục gan lì với tội lỗi thì bất cứ ai trong số họ rồi cuối cùng cũng sẽ cứng lòng chống lại Đức Thánh Linh, khi phán xét xảy ra thì tên họ sẽ bị xóa khỏi sách sự sống. KTS 163.3
Nếu dân Y-sơ-ra-ên bị Chúa từ chối, Môi-se cũng mong muốn tên ông bị xóa theo họ; ông không chịu đựng nổi nếu chứng kiến sự phán xét của Chúa lên những con người sa ngã đã từng được Chúa giải cứu một cách rất ân cần. Sự cầu thay của Môi-se nhân danh dân Y-sơ-ra-ên minh họa cho sự suy gẫm của Đấng Christ cho những tội nhân. Nhưng Chúa không để cho Môi-se gánh chịu cảm giác phạm lỗi của tội nhân, nhưng Đấng Christ thì phải chịu lấy. Ngài phán: “Kẻ nào phạm tội chống lại Ta, Ta sẽ xóa người ấy khỏi sách Ta”. KTS 163.4
Họ chôn người thân trong buồn bã sâu sắc. Ba ngàn người bị chết bằng gươm; ngay sau đó, một thứ bệnh truyền nhiễm đã bùng phát toàn trại; rồi thông điệp gửi đến họ rằng Sự Hiện diện thánh khiết sẽ không cùng đi với họ nữa: “Ta sẽ không cùng đi lên với các con đâu, vì các con là một dân tộc cứng cổ, e rằng Ta sẽ tiêu diệt các con dọc đường chăng”. Chúa phán: “Hãy lột bỏ trang sức đi, rồi Ta xem sẽ làm gì với các con”. Trong sự sám hối và bẽ mặt, “từ núi Hô-rếp trở đi, dân Y-sơ-ra-ên lột bỏ các đồ trang sức”. KTS 163.5
Theo yêu cầu thánh, một cái lều dành cho việc phục vụ như đền tạm để thờ lạy được dựng lên “cách xa trại quân”. Điều này thêm một bằng chứng nữa về việc Chúa rút sự hiện diện của Ngài khỏi dân sự. Dân sự cảm nhận được sự khiển trách gay gắt, vì vậy với đám đông bị lương tâm cắn rứt thì điều này có vẻ như báo trước tai họa lớn hơn nữa. KTS 163.6
Dẫu vậy, họ không từ bỏ hy vọng. Lều được dựng lên ngoài trại quân, nhưng Môi-se đặt tên nó là “Lều Hội kiến”. Tất cả những ai thật lòng ăn năn và muốn trở về với Chúa thì đến đó để thú tội và tìm kiếm lòng khoan dung của Ngài. Khi họ lui về trại mình, Môi-se trở vào trong lều đó. Dân sự trông chờ các dấu hiệu bày tỏ rằng lời cầu thay của ông cho họ được chấp nhận. Khi thấy trụ mây đến và dừng lại ở cửa lều hội kiến, dân chúng vui mừng rơi nước mắt, toàn thể họ đều “đứng dậy, rồi mỗi người phủ phục tại cửa trại mình”. KTS 163.7