Vua Mê-sô-pô-ta-mi-a, vua Mô-áp, tiếp sau họ là dân Phi-li-tin và dân Ca-na-an ở Hát-so do Si-sê-ra dẫn đầu nổi dậy đàn áp dân Y-sơ-ra-ên, hết lần này đến lần khác. Ốt-ni-ên, Sam-ga, Ê-hút, Đê-bô-ra và Ba-rác nổi lên làm người giải phóng dân tộc, nhưng “con cháu Y-sơ-ra-ên tiếp tục làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va. Vì vậy Ngài phó chúng vào tay dân Ma-di-an”. KTS 275.4
Ngày Môi-se còn sống, dân Y-sơ-ra-ên gần như hủy diệt hết dân Ma-di-an, nhưng giờ đây số lượng chúng càng ngày càng đông đúc và cường thịnh. Chúng khao khát báo thù nên ngay khi Chúa không bảo vệ cho dân Y-sơ-ra-ên nữa thì cơ hội đã đến với chúng. Khắp cả xứ phải chịu cảnh đau thương vì những trận hủy diệt tàn khốc. Giống như dịch cào cào (châu chấu) tràn lan khắp nơi, chúng xuất hiện vào lúc bắt đầu thu hoạch mùa màng, kéo dài đến khi những trái cuối mùa vừa hái xong. Chúng tăng quân số để tước đoạt hết các cánh đồng, cướp bóc rồi ngược đãi dân bản xứ. Dân Y-sơ-ra-ên sống ở những nơi thưa thớt người đều buộc phải tìm sự an toàn trong các pháo đài hoặc thậm chí tìm nơi nương tựa trong những hang động giữa các ngọn núi. Sự áp bức này kéo dài suốt bảy năm. Sau đó, trong cảnh túng quẫn, dân sự xưng tội cùng Đức Chúa Trời và Ngài đã cho một người cứu giúp họ. KTS 275.5
Chúa kêu gọi Ghê-đê-ôn giải phóng dân tộc mình khi ông đang đập lúa mì. Không dám đập lúa theo cách thông thường trong sân nhà, ông phải lánh vào một nơi gần hầm ép rượu. Mùa thu hoạch nho chín vẫn còn lâu nên không ai để ý lắm đến các vườn nho. Trong khi Ghê-đê-ôn bí mật làm việc, ông đau buồn nghĩ ngợi về tình cảnh của dân Y-sơ-ra-ên và suy nghĩ làm thế nào để phá bỏ ách áp bức này. KTS 275.6