Hội chúng rất đông tập họp tại Mích-pa, họ nghiêm túc kiêng ăn tại đây. Với cảm giác bẽ bàng, dân sự xưng nhận tội lỗi của mình, rồi họ tôn Sa-mu-ên lên làm quan xét. KTS 299.6
Dân Phi-li-tin nghĩ cuộc tụ họp này là hội đồng quốc phòng, nên chúng muốn khiến dân Y-sơ-ra-ên phải giải tán trước khi kế hoạch được triển khai. Tin tức chúng tấn công làm dân Y-sơ-ra-ên run sợ. Dân sự cầu xin Sa-mu-ên: “Xin ông không ngừng kêu cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho chúng tôi, để Ngài giải cứu chúng ta khỏi tay người Phi-li-tin”. KTS 299.7
Trong lúc Sa-mu-ên còn đang dâng con chiên làm tế lễ thiêu, quân Phi-li-tin đã kéo đến gần để gây chiến. Trong ngày đó, Đấng Toàn Năng duy nhất — Đấng đã từng tách Biển Đỏ và cũng mở đường ngang sông Giô-đanh cho dân Y-sơ-ra-ên — đã tiếp tục bày tỏ quyền năng Ngài lần nữa. Sấm sét ầm ầm nổ vang trời trên đầu quân thù, mặt đất bừa bãi xác chết của những chiến binh dũng mãnh. KTS 300.1
Dân Y-sơ-ra-ên đứng run rẩy trong hy vọng lẫn sợ hãi. Khi họ chứng kiến cảnh tượng thảm hại của kẻ thù thì họ mới biết Đức Chúa Trời đã chấp nhận tấm lòng ăn năn của họ. Mặc dù không chuẩn bị chiến tranh, nhưng họ cũng thu lượm vũ khí của người Phi-li-tin ngã chết và truy kích đám tàn quân chạy trốn. Chiến thắng như vậy đã xảy ra trên chính cánh đồng này, cách đây hơn hai mươi năm, nơi mà dân Y-sơ-ra-ên bị dân Phi-li-tin đánh bại, các thầy tế lễ bị giết, hòm giao ước bị chiếm đoạt. Lúc bấy giờ, dân Phi-li-tin bại trận hoàn toàn phải dâng trả lại các pháo đài đã chiếm của dân Y-sơ-ra-ên, không dám bày tỏ bất kỳ thái độ thù địch nào suốt nhiều năm sau. Các nước khác cũng làm theo như thế, dân Y-sơ-ra-ên hưởng thụ bình yên mãi đến khi thời quản trị của Sa-mu-ên chấm dứt. KTS 300.2
Chính vì vậy, để họ không bao giờ quên sự kiện này, Sa-mu-ên đặt một hòn đá lớn làm đài tưởng niệm. Ông đặt tên nó là Ê-bên Ê-xe, “tảng đá giúp đỡ”, rồi nói với dân sự: “Đức Giê-hô-va đã cứu giúp chúng ta”. KTS 300.3