Chương này dựa theo sách I Sa-mu-ên 8 - 12
Chính quyền Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời cai quản. Nhiệm vụ của Môi-se, của bảy mươi trưởng lão, của các thầy dạy đạo và các quan xét chỉ đơn giản là thi hành luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho, họ không có quyền lập pháp cho xứ sở. Đây chính là điều kiện để Y-sơ-ra-ên tồn tại như một đất nước. KTS 305.1
Chúa nhìn thấy trước là Y-sơ-ra-ên sẽ đòi một ông vua, nhưng Ngài không muốn thay đổi các nguyên tắc xây dựng chính quyền. Vua là người thay mặt cho Đấng Chí Cao. Chúa là đầu của đất nước này. (Xem thêm Phụ lục, Ghi chú 7). KTS 305.2
Ngay từ khi dân Y-sơ-ra-ên đặt chân vào xứ Ca-na-an, cả nước thịnh vượng dưới sự điều hành của Giô-suê. Nhưng việc giao thiệp với các nước lân cận đã làm thay đổi. Dân sự du nhập nhiều tập tục của dân ngoại bang nên không còn kính trọng danh dự của những người được Chúa chọn. Choáng ngợp với sự phô trương rực rỡ của các vua dân ngoại, họ bắt đầu chán nản sự giản dị của mình. Các chi phái sinh lòng ghen tỵ rồi nội bộ bất hòa đã khiến họ suy yếu. Họ phải đối mặt với những kẻ thù ngoại bang, rồi dân chúng bắt đầu tin rằng họ phải hiệp nhất với nhau dưới sự lãnh đạo của một chính quyền vững mạnh. Họ muốn thoát khỏi sự cai trị của Đấng Chí Thánh, yêu cầu cần có một vua dần dần lan rộng trong cả Y-sơ-ra-ên. KTS 305.3
Cả xứ sống giàu có sung túc dưới sự điều hành của Sa-mu-ên, trật tự được phục hưng, lòng ngoan đạo được đẩy mạnh, tinh thần bất mãn cũng bị kềm giữ được một thời gian dài. Tuy nhiên, đến khi ông cao tuổi, nhà tiên tri lại bổ nhiệm hai con trai làm trợ lý cho mình. Hai người được điều động về Bê-e Sê-ba để cai trị và xét xử dân sự gần biên giới phía nam. KTS 305.4
Họ không quay lưng với những gì đáng tôn trọng, nhưng “không đi theo đường lối của ông, chạy theo lợi lộc, nhận hối lộ và làm sai lệch công lý”. Họ không bắt chước đời sống trong sạch, không ích kỷ của cha mình. Ở một vài lĩnh vực ông đã quá dễ dãi với các con, nên hậu quả thể hiện quá rõ ràng trong tính cách của chúng. KTS 305.5
Điều này càng khiến cho dân sự có lý do nôn nóng muốn có sự thay đổi mà lòng họ âm thầm khao khát từ lâu. “Tất cả các trưởng lão Y-sơ-ra-ên đều tập hợp lại và đến với Sa-mu-ên tại Ra-ma. Họ nói với ông: Kìa, ông đã già yếu, các con trai ông lại không đi theo đường lối của ông. Bây giờ, hãy lập một vua để cai trị chúng tôi như tất cả các nước khác”. Giá như Sa-mu-ên biết được quá trình diễn biến tội lỗi của các con trai, ông sẽ dẹp chúng ngay lập tức, nhưng đây không phải là những gì mà dân chúng muốn. Sa-mu-ên nhận thấy động cơ thật sự của họ là bất mãn và tự cao. Không ai phàn nàn gì về Sa-mu-ên. Mọi người ai cũng biết ông cai trị bằng tính liêm chính và sự khôn ngoan. Nhà tiên tri già không trách móc gì, chỉ đơn độc trình dâng vấn đề rắc rối lên Chúa và tìm cầu sự hướng dẫn từ nơi Ngài. KTS 305.6