“Sau một thời gian dài, vua Ai Cập qua đời. Dân Y-sơ-ra-ên than thở, kêu van dưới ách nô lệ, tiếng ta thán của họ thấu đến Đức Chúa Trời… Đức Chúa Trời đoái đến dân Y-sơ-ra-ên và thấu hiểu cảnh ngộ của họ”. Thời kỳ giải cứu đã đến. KTS 127.1
Chúa thực hiện kế hoạch Ngài bằng cách tuôn đổ sự khinh thường xuống niềm kiêu hãnh của con người. Cuộc giải cứu giao cho một người chăn chiên khiêm nhường chỉ có cây gậy trong tay, nhưng Chúa làm cho cây gậy đó trở thành biểu tượng quyền lực của Ngài. KTS 127.2
Một ngày nọ, khi ông dẫn đàn chiên qua bên kia hoang mạc gần Hô-rếp, “núi Đức Chúa Trời”, Môi-se nhìn thấy một bụi gai cháy, nhưng không hề tàn. Khi ông đến gần, một giọng nói phát ra từ giữa bụi gai kêu tên ông. Miệng run run, ông đáp lời: “Có con đây”. Ông được cảnh báo không được đến gần vì thiếu tôn kính: “Hãy cởi dép khỏi chân con, vì nơi con đứng là đất thánh… Ta là Đức Chúa Trời của tổ phụ con, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Môi-se liền che mặt vì sợ nhìn thấy Đức Chúa Trời”. KTS 127.3
Môi-se kính cẩn chờ đợi trước mặt Chúa, Chúa tiếp tục phán: “Ta đã thấy rõ nỗi khốn khổ của dân ta tại Ai Cập và đã nghe thấu tiếng họ kêu than vì các đốc công. Phải, Ta biết được nỗi đau đớn của họ. Ta ngự xuống để giải cứu dân này khỏi tay người Ai Cập, đem họ ra khỏi xứ ấy, đưa đến một vùng đất tốt đẹp và rộng rãi, đượm sữa và mật… Vậy, bây giờ hãy lại đây, Ta sẽ sai con đến Pha-ra-ôn để đem dân Ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi Ai Cập”. KTS 127.4
Ngạc nhiên lẫn khiếp sợ, ông lùi lại, thưa: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ôn và đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập?”. KTS 127.5
Môi-se nghĩ đến sự mù quáng, ngu dốt và bất tín của dân sự. Nhiều người hầu như còn không biết Đức Chúa Trời. Ông nói: “Vậy thì khi con… nói với họ: “Đức Chúa Trời của tổ phụ anh em sai tôi đến với anh em; và họ hỏi con ‘Tên Ngài là gì?’ thì con sẽ nói với họ thể nào?”. Chúa phán: “TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU, HẰNG HỮU… ĐẤNG TỰ HỮU đã sai tôi đến với anh em”. KTS 127.6
Chúa truyền cho Môi-se triệu tập các trưởng lão Y-sơ-ra-ên lại (những người đã kêu van suốt một thời gian dài vì ách nô lệ) để thông báo cho họ về sứ điệp của Ngài. Rồi ông yết kiến vua và nói: “Đức Chúa Trời của dân Hê-bơ-rơ đã hiện ra với chúng tôi. Bây giờ, xin bệ hạ cho chúng tôi đi ba ngày đường vào hoang mạc để dâng sinh tế cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi”. KTS 127.7
Môi-se nghe cảnh báo ngay từ đầu là Pha-ra-ôn sẽ chống lại lời yêu cầu, nhưng lòng can đảm của tôi tớ Ngài phải vững chắc. Chúa sẽ bày tỏ quyền năng Ngài. “Ta sẽ ra tay trừng phạt Ai Cập bằng các phép lạ mà Ta sẽ làm giữa xứ đó, rồi họ sẽ cho các con đi”. KTS 127.8
Chúa căn dặn: “Để khi ra đi, các con sẽ chẳng ra đi tay không. Nhưng mỗi phụ nữ sẽ xin người lân cận và người nữ tạm trú trong nhà mình các món đồ bằng vàng, bằng bạc và quần áo”. Người Ai Cập trở nên giàu có nhờ bóc lột lao động dân Y-sơ-ra-ên, đó cũng là sự công bằng cho dân Y-sơ-ra-ên khi đòi lại phần thưởng cho họ sau những năm làm việc khổ sai. Chúa sẽ giúp họ khi họ đặt vấn đề với người Ai Cập về tiền công và lời đề nghị của những người nô lệ đã được chấp thuận. KTS 127.9
Môi-se lấy bằng chứng nào cho dân sự tin rằng Chúa đã sai ông đi? Ông nói: “Nhưng họ sẽ không tin và không nghe lời con; vì họ sẽ nói: Đức Giê-hô-va nào có hiện ra với ông đâu?”. Ông được yêu cầu ném cây gậy xuống đất và ông vâng theo, “cây gậy biến thành một con rắn, Môi-se chạy trốn con rắn”. Ông lại được yêu cầu nắm lấy đuôi nó và nó trở thành cây gậy trong tay ông. Ông được phán đặt tay lên ngực. Ông vâng lời và “khi lấy tay ra, kìa, tay ông nổi phung cùi trắng xóa”. Ông lại đặt tay lên ngực và khi lấy tay ra thì da thịt trở lại bình thường giống tay kia. Ông phải thực hiện các dấu lạ này cho dân sự của ông cũng như cho Pha-ra-ôn để thuyết phục rằng có một Đấng hùng mạnh hơn vua Ai Cập chắc chắn đang ở giữa họ. KTS 128.1