Nhưng tính cách thật sự của Giô-sép thậm chí còn soi sáng trong hầm ngục tối bên dưới lâu dài. Bao năm anh hết lòng phục vụ được báo đáp thật ác nghiệt, nhưng hoạn nạn này không làm anh nản lòng hay hoài nghi. Anh vẫn thanh thản và tin tưởng Chúa luôn ở cùng anh trong cảnh ngộ này. Anh không nghiền ngẫm mình làm gì sai, mà chỉ quên đi phiền muộn để dốc sức giúp vơi bớt nỗi buồn cho những người xung quanh. Mặc dù ở trong tù, nhưng anh vẫn tìm kiếm chuyện gì đó để làm. Chúa bắt anh phải chờ đợi để trở thành người hữu ích hơn nhiều và anh cũng không từ chối bất cứ cách nhào nặn cần thiết nào. Anh học được những bài học về tính công bình, cảm thông và độ lượng, đó là các tính cách giúp anh sẵn sàng sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan và có lòng trắc ẩn. KTS 107.3
Dần dần, Giô-sép chiếm được lòng tin của người cai ngục, người mà cuối cùng đã tin cậy giao cho anh quản lý tất cả các tù nhân. Tư cách đạo đức của anh ở trong tù là tính chính trực và lòng thương cảm đối với những người hoạn nạn, khốn cùng, chính hạnh kiểm này đã mở đường lối tương lai giúp anh có được sự giàu sang và lòng tôn kính. Nếu được thúc đẩy vì một động cơ đúng đắn, hãy nói lời êm dịu với người sầu khổ, hãy chia sẻ để người bị gánh nặng được an ủi, hãy tặng quà cho người đang cần, thì người cho đi sẽ nhận được kết quả nhiều ơn phước. KTS 107.4
Quan tửu chánh và quan thượng thiện của vua cũng bị giam vào ngục vì tội khi quân, họ cũng được Giô-sép phục vụ. Một buổi sáng nọ trông thấy họ buồn bã, anh thành thật hỏi thăm nguyên nhân và được biết mỗi người đều có một giấc mộng khác thường, họ băn khoăn lo lắng vì không hiểu giấc mộng có nghĩa gì. Giô-sép nói: “Việc giải mộng chẳng phải thuộc về Đức Chúa Trời sao? Xin hai vị cứ thuật lại các giấc mộng ấy cho tôi đi”. KTS 107.5
Giô-sép được ơn hiểu hết mọi giấc mộng nào có liên quan đến giấc mộng của bản thân. Trong ba ngày, quan tửu chánh sẽ được phục hồi chức vụ và được dâng rượu vào tay Pha-ra-ôn như trước đây, nhưng còn quan thượng thiện sẽ bị xử trảm. Cả hai trường hợp đều xảy ra đúng y như tiên đoán. KTS 107.6
Quan tửu chánh của vua bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Giô-sép vì đã giải thích tin vui cho giấc mộng của ông cũng như đã phục vụ tử tế. Giô-sép cũng kể lể tình trạng bị cầm tù bất công của mình, rồi cầu xin quan tâu với vua về trường hợp của anh. Anh nói: “Khi mọi việc của ông đã tốt đẹp rồi, xin hãy nhớ đến tôi, làm ơn tâu với vua Pha-ra-ôn về trường hợp của tôi, và đem tôi ra khỏi chỗ này. Vì thật ra, tôi đã bị người ta bắt cóc đem ra khỏi đất của người Hê-bơ-rơ, và ngay tại đây tôi cũng chẳng làm điều gì đáng để bị giam trong ngục tối này”. KTS 107.7
Quan tửu chánh của vua đã nhìn thấy giấc mơ biến thành hiện thực đến từng chi tiết; nhưng khi ông được phục chức do ân xá, ông không nhớ gì đến người đã giúp đỡ ông. Hơn hai năm sau, Giô-sép vẫn bị cầm tù. Hy vọng từng nhen nhóm trong lòng anh dần dần tắt lịm, cảm giác cay đắng day dứt với sự vô ơn bạc nghĩa đã chất đầy lên những thử thách khác của anh. KTS 108.1
Nhưng bàn tay thiêng liêng sắp mở cánh cửa ngục tù. Vào một đêm nọ, vua Ai Cập thấy hai giấc mộng, dường như đều chĩa về sự kiện giống nhau và có vẻ như là điềm báo thiên tai gì đó rất lớn. Tất cả các thuật sĩ và các nhà hiền triết đều không thể giải thích được. Bối rối gia tăng, nỗi khiếp sợ lan tỏa cả hoàng cung. Tình trạng lo lắng chung đã nhắc quan tửu chánh nhớ giấc mộng của ông, ông nghĩ lại Giô-sép và hối hận vì đã quên và vô ơn. Ngay lập tức, ông thuật lại cho vua nghe giấc mộng của mình và của quan thượng thiện đã được giải thích tường tận như thế nào bởi một chàng trai trẻ Hê-bơ-rơ đang bị giam cầm và lời dự đoán đã đúng ra sao. KTS 108.2
Đối với vua Pha-ra-ôn, hỏi ý kiến một thằng nô lệ là một điều sỉ nhục, nhưng ông phải sẵn sàng chấp nhận nếu chuyện đó có thể giúp ông giảm bớt tâm trí rối bời. Ngay tức khắc, Giô-sép được gọi đến; ông thay đổi quần áo tù nhân để vào chầu vua. KTS 108.3
“Pha-ra-ôn nói với Giô-sép: Trẫm có một giấc mộng mà không ai có thể giải thích được. Trẫm nghe nói rằng ngươi chỉ cần nghe kể lại giấc mộng là có thể giải nghĩa được. Giô-sép thưa với vua: Đó chẳng phải là hạ thần mà là Đức Chúa Trời sẽ đem lời giải đáp an lành cho bệ hạ”. Giô-sép khiêm nhường phủ nhận niềm vinh dự sở hữu sự khôn ngoan hơn người của mình. Chỉ mình Đức Chúa Trời mới có thể giải nghĩa những điều huyền bí này. KTS 108.4
Cuối cùng, Pha-ra-ôn cũng bắt đầu kể về các giấc mộng của ông: “Trong giấc mộng, trẫm thấy mình đang đứng bên bờ sông. Từ dưới sông có bảy con bò đẹp đẽ, béo tốt đi lên và gặm cỏ trong đám sậy. Rồi lại có bảy con bò khác xấu xí, gầy guộc lên theo. Thật, trẫm chưa từng thấy trong cả xứ Ai Cập này có con bò nào xấu xí, gầy guộc như vậy bao giờ. Bảy con bò xấu xí gầy guộc đó ăn thịt bảy con bò béo tốt, nuốt chúng nó vào bụng mà trông như không nuốt, vì các con bò đó vẫn xấu xí gầy guộc như trước. Rồi trẫm tỉnh dậy. Sau đó trẫm lại thấy một giấc mộng khác, có bảy bông lúa chắc hạt, tốt tươi mọc chung trên một cọng lúa. Rồi lại có bảy bông lúa lép hạt, khô héo, và cháy nám vì gió đông, mọc theo bảy bông lúa kia, và bảy bông lúa lép đó lại nuốt chửng bảy bông lúa chắc hạt. Trẫm đã kể chiêm bao này cho các thuật sĩ, nhưng không ai có thể giải thích ý nghĩa cho trẫm được”. KTS 108.5