Chỉ mới vài ngày trôi qua kể từ khi dân Y-sơ-ra-ên run rẩy đứng trước núi Si-nai, lắng nghe tiếng Chúa phán: “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác”. Tuy vinh quang Chúa vẫn còn ở trên núi trong tầm mắt của hội chúng, nhưng “họ đúc một con bò con tại Hô-rếp và thờ lạy tượng ấy. Họ đổi Đấng vinh quang của mình lấy hình tượng con bò ăn cỏ” (Thi Thiên 106:19,20). KTS 159.5
Ở trên núi, Môi-se được cảnh báo về sự phản bội dưới trại. Chúa phán: “Hãy xuống đi, vì dân mà con đưa ra khỏi Ai Cập đã hư hỏng rồi. Chúng đã từ bỏ đường lối mà Ta truyền dạy”. KTS 159.6
Giao ước của Chúa với dân sự Ngài đã bị phá vỡ, Ngài bày tỏ với Môi-se: “Hãy để mặc Ta, để cơn thịnh nộ Ta nổi lên và tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho con thành một dân tộc lớn”. Dân Y-sơ-ra-ên, điển hình là “đám dân ô hợp”, liên tục có chiều hướng nổi loạn chống lại Chúa, phàn nàn lãnh đạo và gây đau buồn cho ông bởi sự phản bội và cứng đầu của họ. Tội lỗi họ đã đánh mất ân điển của Chúa dành cho. KTS 159.7
Nếu Chúa hủy diệt dân Y-sơ-ra-ên thì ai có thể cầu xin giúp họ? Tuy vậy, Môi-se vẫn nhìn ra nền tảng hy vọng ở nơi chỉ xuất hiện sự chán nản và cơn thịnh nộ thần thánh. Chúa ra lệnh: “Hãy để mặc Ta”, ông thừa hiểu là ông không được phép, nhưng cũng có nghĩa là động viên ông cầu xin cho hoàn cảnh của họ, nếu ông thành khẩn nài xin thì Chúa sẽ xá tội cho dân sự Ngài. KTS 159.8
Chúa ngụ ý rằng Ngài không thừa nhận dân Ngài. Ngài nói với Môi-se về họ bằng từ ngữ: “dân mà con đưa ra khỏi Ai Cập”. Nhưng Môi-se từ chối quyền lợi là người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên. Họ không phải là dân của ông mà là dân sự của Chúa, “là dân mà Ngài đã dùng quyền uy lớn lao và cánh tay mạnh mẽ đem ra khỏi đất Ai Cập”. Môi-se cố thuyết phục: “Tại sao lại để cho người Ai Cập nói: Ngài cố ý đem họ ra khỏi đây để giết họ trong núi?”. KTS 160.1
Suối mấy tháng kể từ khi dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai Cập, tin đồn về sự giải phóng diệu kỳ của họ đã lan ra khắp các nước xung quanh. Sự kinh hãi khủng khiếp đọng lại trong các dân ngoại. Tất cả đều theo dõi Chúa của dân Y-sơ-ra-ên sẽ làm gì cho dân sự Ngài. Nếu hủy diệt họ bây giờ thì kẻ thù họ sẽ vui mừng. Dân Ai Cập sẽ tuyên bố rằng lời kết tội của họ là có thật, thay vì dẫn dắt dân sự Ngài vào hoang mạc để dâng tế lễ, thì Ngài lại biến họ thành vật hy sinh. Việc hủy diệt dân tộc mà Ngài tôn vinh sẽ gây tai tiếng cho thanh danh Ngài. Trách nhiệm của người mà Chúa tôn cao để làm sáng danh Ngài trên đất thật lớn lao biết bao nhiêu! KTS 160.2
Khi Môi-se làm trung gian xin hòa giải cho dân Y-sơ-ra-ên, Chúa lắng nghe những lời nài xin và chấp nhận lời cầu nguyện không ích kỷ của ông. Chúa chứng minh tình yêu thương của Ngài cho dân tộc vô ơn, còn Môi-se cao thượng đã vượt qua thử thách. Đối với ông, hạnh phúc của dân sự Chúa quan trọng hơn đặc ân trở thành cha của một dân tộc hùng mạnh. Chúa cảm thấy vừa ý với lòng trung thành và tính chính trực của ông, chuyển giao cho ông trách nhiệm vĩ đại lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. KTS 160.3
Khi Môi-se và Giô-suê đi xuống núi, đến gần trại quân, họ chứng kiến dân sự reo hò nhảy múa quanh tượng bò con, một hình ảnh náo động của dân ngoại, một cách bắt chước các lễ hội sùng bái thần tượng của Ai Cập. Thật khác biệt làm sao với không khí trang nghiêm và cung kính thờ lạy Chúa! Môi-se chịu hết nổi. Ông vừa ra khỏi sự hiện diện của vinh hiển Chúa nên ông không sẵn sàng chứng kiến tình trạng dân Y-sơ-ra-ên xuống cấp tệ hại như vậy. Bày tỏ sự tức giận với tội ác của họ, ông ném hai bảng đá xuống đất, chúng vỡ nát trước sự chứng kiến của tất cả mọi người, đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng khi họ phá vỡ giao ước của họ với Chúa thì Chúa cũng sẽ phá bỏ giao ước của Ngài với họ. KTS 160.4